Nhận định Trịnh Kiểm

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư do sử thần Đại Việt thời Lê trung hưng soạn có lời khen ngợi Thái sư Trịnh Kiểm:

Lượng quốc công càng dốc lòng trung trinh, mọi việc đều quyết đoán rõ ràng, công việc đều đâu ra đấy cả.
— Đại Việt Sử ký Toàn thư[18]

Năm 1594, Hoàng đế Lê Thế Tông sai Nguyễn Hoàng mang kim sách gia phong Minh Khang Thái Vương làm Minh Khang Nhân Trí Vũ Trinh Hùng Lược Thái Vương. Lời kim sách viết:

... Nay Suy trung dực vận hiệp mưu đồng đức phụ quốc kiệt tiết đôn hậu minh nghĩa công thần đặc tiến khai phủ kim tử vinh lộc đại phu kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sứ Thái quốc công đặng Minh Khang Nhân Trí Thái Vương Trịnh Kiểm vốn là đường kiều họ lớn, hoàn quyển dòng sang. Buổi đầu ứng theo cờ nghĩa, sửa kinh luân giềng mối buổi gian truân; một phen thu lại cõi xưa, định hưng phục quy mô khi phò tá. Đối với Tiên vương, công tốt có nhiều; xét đến con nối, nghiệp lớn càng rõ. Có khác gì Tây Bình cả nhà trung nghĩa, xã tắc được yên; Phần Dương dựng lại quốc gia, thiên hạ công nhất. Phúc trước đến nay rực rỡ, hiệu mới nên được tôn sùng. Đặc sai Suy trung dực vận đồng đức công thần đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Trung đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự thái uý Đoan quận công thượng trụ quốc Nguyễn Hoàng mang kim sách tiến phong làm Suy trung dực vận hiệp mưu đồng đức phụ quốc kiệt tiết đôn hậu minh nghĩa công thần thượng tướng Minh Khang Nhân Trí Vũ Trinh Hùng Lược Thái Vương...
— Lê Thế Tông[56]

Sĩ phu Đại Nam thời Nguyễn, Phan Huy Chú, trong sách Lịch triều hiến chương loại chí đã thuật lại công lao của vua Lê Trang Tông trong việc trung hưng triều Lê. Thực chất, đây là lời ca ngợi gián tiếp Trịnh Kiểm vì ông mới là người lãnh đạo thực tế:[57]

Về sau được Dực quận công Trịnh Kiểm giúp đỡ, vua hết lòng tin theo, cất người hiền, dùng kẻ tài, chăm dân, thương lính, sửa sang pháp lệnh, trong cõi rất yên. Rồi đem quân tiến đánh lấy được cả đất cát châu Ái, châu Hoan, dựng hành điện ở sách Vạn Lại. Các hào kiệt ở xa đều theo về cả. Cơ nghiệp trung hưng, thực là bắt đầu từ đây.
— Phan Huy Chú

Phần viết về triều đại Lê Trung Tông cũng ghi nhận:[57]

Mọi việc đều giao cho Lượng quốc công Trịnh Kiểm quyết định. Xếp đặt trăm quan, nước giàu binh mạnh. Bắt đầu dời hành tại ra An Trường. Lại dời ra Biện Thượng. Lúc mới lên, vua mở khoa thi lấy nhân tài, hào kiệt bốn phương đều quy phụ. Rồi đó, thu được cả châu Ái, châu Hoan, châu Thuận, châu Quảng, định cả tây nam, đánh được Đông Đô. Dẫu chưa trở về Kinh thành cũ, nhưng cái thế lớn thịnh, cái cơ hưng phục trông thấy rành rành.
— Phan Huy Chú

Theo lời bàn của các sử quan Nhà Nguyễn trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, họ không rõ Trịnh Kiểm có muốn cướp ngôi hay không, nhưng đến đời con ông mới có ý đó:

Trịnh Kiểm tuy chuyên quyền nhưng tội ác chưa có gì tỏ rõ cho lắm; đến Trịnh Tùng mới thật là gian thần như đồ Vương Mãng và Tào Tháo.
— Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục[58]